Nhận định Tư_tưởng_Hồ_Chí_Minh

Tại Việt Nam

Trên cơ sở các hành động, lời nói, bài viết, phát biểu... của ông, nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết, khái quát lên thành "tư tưởng Hồ Chí Minh". Do phần lớn cuộc đời ông dành cho các hoạt động cách mạng và trong các giai đoạn khác nhau, quan điểm của ông có những sự chuyển dịch khác nhau, mang tính "chiến lược", hay "sách lược" phù hợp với hoàn cảnh thực tế đòi hỏi cách mạng. Nhiều tư liệu chưa được công bố. Khi ông mất, đất nước chưa thống nhất, và phong trào cộng sản quốc tế đang có sự phát triển song song với sự phân rẽ, nên các quan điểm của ông đến khi đó mang tính sách lược nhiều hơn là hệ thống lý luận xuyên suốt. Rất khó để phân biệt sự độc lập tư tưởng của ông với các tư tưởng khác đủ để khái quát lên thành một tư tưởng triết học hay chính trị độc lập. Phần lớn các giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh không phân tích các quan điểm của ông theo các thời kỳ lịch sử, không phân tích cụ thể các tác phẩm của ông theo thời gian.

Theo PGS.TS Lê Văn Tích, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên kết hợp thành công sức mạnh trong nước và quốc tế - dân tộc và thời đại, yếu tố khách quan và chủ quan để tìm ra lời giải cho "Bài toán thế kỷ" đã đặt ra cho dân tộc từ đầu thế kỷ XX. Mặc dù Luận cương của Lenin cũng như những quan điểm của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp có vị trí quan trọng trong "con đường cứu nước" mà Hồ Chí Minh tìm đến; song đó chưa phải là con đường cứu nước Hồ Chí Minh, bởi lẽ đó chỉ là những nguyên tắc lý luận, định hướng mang tính phổ biến. Con đường cứu nước Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo những nguyên tắc, quan điểm ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.[83] Theo Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hồ Chí Minh tiếp thu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, đưa ra nhiều kiến giải mới nhằm bổ sung vào lý luận Mác - Lênin.[84]

Các nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đánh giá nét sáng tạo của Hồ Chí Minh trước hết là ở chỗ, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa xã hội, luận giải nó từ khát vọng giải phóng dân tộc và nhu cầu giải phóng con người một cách triệt để.[84] Hồ Chí Minh luận giải tính tất yếu và bản chất của chủ nghĩa xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, của phương Đông. Từ việc phân tích một cách khoa học truyền thống tư tưởng - văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, các nước phương Đông, sự tàn bạo của chế độ thuộc địa tại các nước đó, Hồ Chí Minh đi đến một nhận thức mới lạ: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản không những thích ứng được ở châu Á, phương Đông mà còn thích ứng dễ hơn ở châu Âu.[84] Hồ Chí Minh đã nhận thức tính tất yếu và bản chất của chủ nghĩa xã hội như là kết quả tác động tổng hợp của các nhân tố: truyền thống và hiện tại; dân tộc và quốc tế; kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa. Ông không tuyệt đối hóa một mặt nào và đánh giá đúng vị trí của chúng. Trước hết, Hồ Chí Minh luận giải sự ra đời và bản chất của chủ nghĩa xã hội từ phương diện kinh tế, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Hồ Chí Minh cho rằng, sự hình thành, phát triển và chín muồi của chủ nghĩa xã hội là một tất yếu mà nguyên nhân sâu xa chính là do sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Trên cơ sở một nền tảng kinh tế mới, chủ nghĩa xã hội sẽ xác lập một hệ thống, các giá trị đặc thù mang tính nhân bản thấm sâu vào mỗi quan hệ và lĩnh vực xã hội. Sự thống nhất giữa tính khoa học và tính nhân văn thể hiện rất rõ trong nhận thức của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.[84] Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh cho rằng Hồ Chí Minh đã làm phong phú cách tiếp cận về chủ nghĩa xã hội, có những cống hiến xuất sắc vào việc phát triển lý luận Mác - Lênin.[84] Quan niệm Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quan niệm về một hình thái quá độ gián tiếp cụ thể - quá độ từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây chính là sự phát triển sáng tạo luận điểm của Lênin về hai giai đoạn cách mạng- cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.[85] Chính ở nội dung cụ thể này, Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa và làm phong phú thêm lý luận Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.[45] Tuy nhiên do hoàn cảnh kinh tế - chính trị - xã hội kém phát triển, lạc hậu của Việt Nam trong thời kỳ nửa thuộc địa nửa phong kiến và sau khi giành độc lập. Nên trong nhiều bài viết, bài phát biểu, diễn giải của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội hết sức đơn giản cho phù hợp với trình độ dân trí, nhận thức của đại đa số quần chúng và cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó.

Theo đánh giá, các thành phần trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã từng có trước đó. Bản thân chủ nghĩa dân tộc đã có trong Luận cương của Lênin khi ông chỉ ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa. Còn tư tưởng dân chủ thì đã có từ lâu với những đại biểu nổi tiếng như Jean-Jacques Rousseau, Thomas Jefferson, John Stuart Mill, Alexis de Tocqueville... được Mác, Lênin kế thừa với ý tưởng về một nền dân chủ nhân dân - tức nền dân chủ cho số đông. Tư tưởng cộng hòa cũng không có gì mới vì nó đã được các nhà tư tưởng phương Tây như Plato, John Locke, Montesquieu... đề cập từ trước đó hàng trăm năm, hơn nữa những lý thuyết gia của chủ nghĩa cộng sản đều chủ trương chống lại những tàn dư của chế độ phong kiến,[86] xây dựng nhà nước cộng hòa. Còn mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết các giai cấp trong đấu tranh chống phát xít thực dân thì rất nhiều các đảng cộng sản các nước khác cũng thực hiện (Mặt trận Bình dân ở Pháp Đảng Xã hội liên minh với Đảng Cộng sản...), Mặt trận chống quân phiệt (Quốc dân đảng với Đảng Cộng sản,...), phát xít Nhật (Quốc dân đảng với Đảng cộng sản,...), ở Trung Quốc, hay một số mặt trận ở Tây lẫn Đông Âu thời thế chiến II, ngay ở Lào, Campuchia, nhiều nước khác chống thực dân cũ và mới (ví dụ Liên đoàn Tự do nhân dân chống phát xít ở Miến Điện, Lào Issara ở Lào, Mặt trận dân chủ nhân dân ở Indonesia,...).

Từ bên ngoài

Vì tư tưởng Hồ Chí Minh chủ yếu được áp dụng ở cách mạng Việt Nam, nên hệ tư tưởng này không được nhiều các học giả Phương Tây nghiên cứu như đối với các hệ tư tưởng khác. Một số nghiên cứu đánh giá tích cực về ý nghĩa của Tư tưởng Hồ chí Minh đối với cách mạng giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam và ở Đông Dương.

Tháng 12 năm 2008, tại cuộc Hội thảo Việt Nam học tại Hà Nội, giáo sư Yoshiharu Tsuboi, đại học Waseda, Nhật Bản, đã thu hút sự chú ý của hàng trăm nhà nghiên cứu Việt Nam và nhiều nước với bài thuyết trình nhận định Hồ Chí Minh là người "theo chủ nghĩa cộng hòa chứ không phải cộng sản". Giáo sư cho rằng: "Có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời mình là những giá trị của nền cộng hòa", "cơ sở lý luận là Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Tóm lược bài thuyết trình: Hồ Chí Minh coi mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước; không chỉ xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa mà còn xây dựng những con người đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập; không chỉ đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền, mà phải thực hiện thứ tự do của mỗi người dân. Người dân phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền cộng hòa. Từng cá nhân suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Hồ Chí Minh cho rằng mỗi người dân đều có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc. Hồ Chí Minh đã trích dẫn các ý tưởng về Tự do, Bình đẳng, Bác ái và các quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc từ khẩu hiệu của Pháp và Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ đưa vào Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về mối quan hệ của ông với Quốc tế cộng sản, bà Quinn-Judge, hiện dạy ở đại học Temple của Mỹ, nói Hồ Chí Minh không phải là "đồ đệ một chiều" của Quốc tế cộng sản. Quan hệ của ông với phong trào này phức tạp và mong manh, và nếu nhận thấy đường lối của Quốc tế cộng sản có những điểm không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam thì ông có khuynh hướng hành động theo lý tưởng của mình, vốn được ông nghiên cứu để áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam.[87]

Nhà sử học Pháp, ông Pierre Brocheux thì cho rằng: Hồ Chí Minh về bản chất thực ra là một người theo Khổng giáo. Ông luôn cố gắng kết hợp những ý tưởng của Khổng Giáo, một truyền thống ý thức hệ Đông Á với các dòng tư tưởng châu Âu, từ Mác-xít đến Lênin-nít, trước sau ông là một người tốt, một người Khổng Giáo. Theo ông Pierre Brocheux, ông đã cố gắng đưa vào thực tế tính nhân bản và tính công bằng xã hội theo kiểu của Khổng Giáo.[88]

Khi là thành viên Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng lúc đó cần ưu tiên "đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải là vấn đề giai cấp. Về mặt này, Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản 'chính thống' theo chủ nghĩa Mác-Lênin".[58][59]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tư_tưởng_Hồ_Chí_Minh http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.49.74:8080/tiengviet/tulieuvankien/4... http://123.30.49.74:8080/tiengviet/tulieuvankien/4... http://baobienphong2.jcapt.com/nd5/detail/chinh-tr... http://thehehochiminh.files.wordpress.com/2009/09/... http://www.youtube.com/watch?v=QZSdmps7ARo http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/giao-duc/mien-... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culturesport/story... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/specials/170_viet_...